Bách Thảo Dược

Viêm phổi nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa

10/11/2022

Khí hậu lạnh trong mùa đông là điều kiện cho cảm lạnh gia tăng, khiến virus, vi khuẩn trong không khí có dịp tấn công, gây viêm phổi. Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhập viện và tử vong ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Trong bối cảnh làn sóng mới Covid-19 đe doạ, việc bảo vệ lá phổi và hệ hô hấp một lần nữa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng (sưng) bao gồm viêm phế nang (túi khí nhỏ), túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do vi khuẩn, virus, nấm gây nên. Khi các phế nang, đường dẫn khí chứa nhiều dịch nhầy hoặc mủ, xuất tiết dịch đường hô hấp trên gây ho đờm, sốt ớn lạnh, khó thở. Viêm phổi có thể xuất hiện ở một vùng hoặc vài vùng (viêm phổi thuỳ hoặc “đa thùy”), nguy hiểm hơn là viêm toàn bộ phổi.

Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới, chiếm 14% tổng số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, trong đó có đến 20-45% ca viêm phổi gây ra là do phế cầu khuẩn. Ước tính mỗi năm, một trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 5-8 lần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển, với khoảng 11 triệu trẻ nhập viện.

Nguyên nhân gây viêm phổi

Nguyễn nhân gây bệnh viêm phổi có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào nguồn lây, mục đích, tác nhân gây bệnh… Nhìn chung nguyên nhân gây viêm phổi chủ yếu được phân chia thành 4 loại dưới đây:

1. Viêm phổi mắc phải cộng đồng

Viêm phổi do vi khuẩn

Vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp nhất ở trẻ em và người lớn. Viêm phổi do vi khuẩn nếu không nhận biết sớm và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí tử vong. Các loại vi khuẩn thường gặp gồm: Streptococcus pneumoniae, Legionella pneumophila, Haemophilus influenzae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae,…

Theo thống kê, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là “thủ phạm” nguy hiểm và thường gặp nhất gây viêm phổi ở nhóm này. Bệnh gây tử vong từ 10-20% và 50% ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già. Phế cầu khuẩn thường trú trong hầu họng người, được lây truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người.

Việc điều trị viêm phổi do phế cầu đã và đang là vấn đề nhức nhối đối với ngành y tế, vì phế cầu là vi khuẩn có độc lực mạnh, có khả năng gây vỡ hồng cầu và xâm nhập gây chết tế bào. Phế cầu khuẩn đang gia tăng mức độ đề kháng kháng sinh, cần phải chọn lựa kháng sinh liều cao và cần phối hợp 2-3 loại kháng sinh, đặc biệt nếu bệnh cảnh viêm phổi nặng nề có thể phải dùng đến 3 loại kháng sinh, phối hợp cùng lúc và thời gian điều trị có thể kéo dài với chi phí điều trị rất tốn kém mới có khả năng khỏi bệnh.

Viêm phổi do virus (bao gồm Covid-19)

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 30% trường hợp viêm phổi do nhiễm virus, đứng thứ 2 sau vi khuẩn. Có rất nhiều loại virus gây bệnh như virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, cảm lạnh và cảm cúm, virus SARS-CoV-2 gây Covid-19,…

Hiện nay, virus SARS-CoV-2 là tác nhân nguy hiểm nhất gây viêm phổi xâm lấn, trong đó, virus có thể làm hỏng phế nang và khiến chất lỏng tích tụ trong phổi, có thể dẫn đến sự phát triển của hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) – một dạng suy hô hấp nghiêm trọng, khiến người bệnh phải can thiệp điều trị khẩn cấp, chạy ECMO (tim – phổi nhân tạo), thậm chí gây tử vong nhanh chóng.

Trước bối cảnh cao điểm dịch bệnh về đường hô hấp hiện nay, viêm phổi do Covid-19 có xu hướng nặng hơn các dạng viêm phổi khác, gây viêm nhiễm nghiêm trọng hơn, biến chứng nặng nề và kéo dài ở một số người.

Viêm phổi do nấm

Viêm phổi do nấm là tình trạng người bệnh hít phải bào tử của nấm gây viêm nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp. Bệnh thường có diễn biến nhanh và rất phức tạp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí thiệt mạng.

Bên cạnh bào tử của nấm thì những tác nhân như: khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất, chế độ dinh dưỡng, vận động – sinh hoạt không đúng cách,… cũng tạo điều kiện cho bệnh viêm phổi do nấm hình thành và dễ dàng phát triển gây viêm phổi.

Viêm phổi do hóa chất

Viêm phổi do hóa chất thường hiếm gặp, ít xảy ra nhưng cực kỳ nguy hiểm vì tỷ lệ gây tử vong cao. Tùy thuộc vào loại hóa chất đã phơi nhiễm mà mức độ nguy hiểm cho người bệnh sẽ khác nhau. Bên cạnh tổn thương phổi, các hóa chất có thể gây tổn hại cho nhiều cơ quan quan trọng khác trong cơ thể như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, gan, cơ quan tiết niệu,…

2. Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện

Viêm phổi bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện phổ biến nhất. Tại các nước phát triển, viêm phổi mắc phải ở bệnh viện chiếm tỷ lệ 15% trong tổng số ca nhiễm khuẩn bệnh viện và chiếm 27% số ca nhiễm khuẩn ở khoa hồi sức cấp cứu – một tỷ lệ rất cao. Những vi khuẩn hàng đầu gây ra tình trạng này có thể kể đến như: vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus bao gồm cả MRSA, trực khuẩn gram âm đường ruột như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, vi khuẩn gram âm không có nguồn gốc từ đường ruột như Pseudomonas aeruginosa, các vi khuẩn cư trú ở hầu họng của các bệnh nhân mắc bệnh nặng nằm tại bệnh viện.

Tại Việt Nam, viêm phổi bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng từ 21-75%, trong đó viêm phổi do lây nhiễm qua thở máy chiếm đến 90% và được xác định sau thở máy 48 giờ. Đây là vấn đề rất khó khăn mà các khoa lâm sàng, đặc biệt là khoa hồi sức tích cực đang phải đương đầu vì khó chẩn đoán, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém rất nhiều chi phí cho người bệnh, gia đình và ngành y tế.

3. Viêm phổi do chăm sóc y tế

Viêm phổi liên quan chăm sóc y tế được xem là một phần của viêm phổi mắc phải ở bệnh viện do người bệnh được chăm sóc hay điều trị sau khi:

  • Đã nhập viện hơn 48 giờ trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhiễm khuẩn.
  • Sinh sống/ cư trú trong viện dưỡng lão hoặc trung tâm chăm sóc dài hạn.
  • Được điều trị kháng sinh tiêm tĩnh mạch, hóa trị trong thời gian gần đây hoặc chăm sóc vết thương trong vòng 30 ngày.
  • Chạy thận nhân tạo tại bệnh viện hay tại đơn vị chạy thận.

4. Viêm phổi do hít thở

Viêm phổi do khí thở là tình trạng người bệnh hít phải lượng lớn dị vật từ đường thở (miệng, hầu họng, dạ dày,…) sau đó rơi vào phổi 2 bên. Các dị vật có thể là nước bọt, thức ăn, hóa chất, axit dịch vị,… nếu chúng đi vào phổi sẽ kích thích phản ứng viêm của niêm mạc phổi, tạo cơ hội để vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh viêm phổi.

Triệu chứng của bệnh viêm phổi

Hầu hết các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp sẽ tương tự nhau. Tuy nhiên, cần phải nắm rõ cụ thể những triệu chứng viêm phổi có thể xảy ra nhằm phân biệt với cúm mùa hay cảm lạnh. Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, giai đoạn phát triển cũng như mức độ tổn thương ở phổi mà viêm phổi có biểu hiện diễn biến từ nhẹ cho đến nghiêm trọng, phổ biến và ít phổ biến như sau:

1. Dấu hiệu viêm phổi thường gặp

Dấu hiệu viêm phổi thường gặp xuất hiện chủ yếu ở các trường hợp viêm phổi cấp tính, triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và thường gặp ở trẻ nhỏ, người già:

  • Đau ngực khi thở hoặc ho;
  • Ho, ho khan, ho có đờm;
  • Sốt trên 38 độ, đổ mồ hôi và ớn lạnh;
  • Mệt mỏi, uể oải và chán ăn;
  • Thở nhanh, khó thở khi gắng sức;
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy;

2. Biểu hiện viêm phổi ít phổ biến

Biểu hiện viêm phổi ít phổ biến có thể xuất phát từ các ca viêm phổi cấp tính phát hiện trễ hoặc không được can thiệp kịp thời sau hơn 2 tuần trở lên. Những biểu hiện gần như tương tự thể cấp tính nhưng kéo dài và gây ra nhiều ảnh hưởng hơn đến sức khỏe và quá trình sinh hoạt hàng ngày như.

  • Ho ra máu;
  • Đau đầu;
  • Đau cơ và đau khớp;
  • Ở người cao tuổi có thể bị lú lẫn hoặc thay đổi ý thức;

Người bình thường mắc viêm phổi có triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà và có thể hoàn toàn tự khỏi trong khoảng 2-3 tuần. Đối với phụ nữ mang thai, nếu nghi ngờ mắc viêm phổi cần lập tức đi khám và điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của mẹ và thai nhi.

Các biện pháp phòng ngừa viêm phổi

1. Rửa tay

Mặc dù bệnh viêm phổi không lây nhưng bệnh có thể do nhiều loại sinh vật truyền nhiễm như virus, vi khuẩn và nấm gây ra. Rửa tay là cách tốt nhất để tránh truyền những sinh vật này vào hệ hô hấp.

Khi rửa tay, hãy đảm bảo rửa tay thật sạch theo các bước sau:

  • Làm ướt tay bằng nước sạch - tốt nhất là nước đang chảy từ vòi.
  • Bôi đủ lượng xà phòng để phủ tất cả các bề mặt của bàn tay và cổ tay.
  • Tạo bọt và chà xát hai bàn tay một cách nhanh chóng và kỹ lưỡng. Đảm bảo chà sạch tất cả các bề mặt của bàn tay, đầu ngón tay, móng tay và cổ tay.
  • Chà xát bàn tay và cổ tay trong ít nhất 20 giây.
  • Rửa tay và cổ tay dưới vòi nước sạch.
  • Lau khô bàn tay và cổ tay bằng khăn sạch hoặc để khô trong không khí.
  • Dùng khăn lau để tắt vòi nước.
  • Nếu không có nước xà phòng, bạn cũng có thể làm sạch tay bằng chất khử trùng tay có cồn.

2. Không hút thuốc

Thuốc lá ảnh hưởng tới khả năng chống lại nhiễm trùng của phổi và những người hút thuốc được phát hiện có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn.

Những người sử dụng thuốc lá được coi là một trong những nhóm có nguy cơ cao được khuyến khích tiêm vaccine phế cầu.

3. Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đều lây lan qua các hạt nhỏ trong không khí hoặc trên các bề mặt chúng ta chạm vào. Tránh tiếp xúc với những người mà bạn biết đang bị bệnh là một bước quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phổi có thể xảy ra.

Nếu bạn đang ở một khu vực đông đúc hoặc không thể tránh ở gần những người bị bệnh, hãy nhớ:

  • Rửa tay thường xuyên
  • Che miệng và mũi bằng khẩu trang để ngăn ngừa nguồn bệnh cảm cúm, cảm lạnh và COVID-19.
  • Khuyến khích người khác che miệng khi ho hoặc hắt hơi
  • Tránh dùng chung đồ cá nhân

4. Thực hiện các thói quen lành mạnh

Cách chăm sóc cơ thể và môi trường xung quanh đóng một vai trò lớn giúp cơ thể bạn chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm phổi.

Những hành động sau đây có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe của phổi và hệ thống miễn dịch:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc ô nhiễm.

5. Tiêm vaccine phòng ngừa viêm phổi

Tiêm phòng cúm hằng năm để ngăn ngừa bệnh cúm theo mùa. Cảm cúm là một nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm phổi, vì vậy phòng ngừa bệnh cúm là một cách tốt để ngăn ngừa bệnh viêm phổi.

Trẻ dưới 2 tuổi và người trên 65 tuổi nên tiêm vaccine phòng ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn. Ngoài ra, những người mắc bệnh tim mạn tính, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tiểu đường… cũng cần tiêm vaccine để ngăn ngừa bệnh.

6. Giữ cho cảm lạnh không chuyển thành viêm phổi

Nếu bạn đã bị cảm lạnh, các khuyến nghị để ngăn nó chuyển thành viêm phổi bao gồm:

  • Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ trong khi hồi phục sau cảm lạnh hoặc các bệnh khác.
  • Uống nhiều chất lỏng để giúp loại bỏ tắc nghẽn.
  • Dùng các chất bổ sung như vitamin C và kẽm để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

7. Tránh viêm phổi sau phẫu thuật

Nếu bạn vừa mới phẫu thuật, hãy nói chuyện với bác sĩ về những gì bạn có thể làm để tránh viêm phổi sau phẫu thuật. Có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Thực hiện bài tập dành cho ho và giúp thở sâu.
  • Giữ bàn tay của bạn sạch sẽ
  • Nâng cao đầu
  • Vệ sinh răng miệng, bao gồm chất khử trùng như chlorhexidine
  • Đi bộ ngay khi bạn có thể

Lưu ý:

Khi bạn bị nhiễm virus, cơn ho có thể kéo dài trong vài tuần không khỏi hoặc gặp bất kỳ một trong số triệu chứng như: Sốt, đổ mồ hôi, ớn lạnh, thở nhanh, nông, khó thở, ăn mất ngon, buồn nôn hoặc nôn mửa, lo lắng, căng thẳng… có cảm lạnh đã chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng hơn, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bách Thảo Dược không ngừng nghiên cứu, phát triển & sản xuất những sản phẩm chất lượng, hiệu quả, an toàn cho các thương hiệu với nguồn dược liệu đa dạng, đạt chuẩn.

Nhà máy sản xuất TPCN Bách Thảo Dược tự hào là đơn vị đạt chuẩn GMP mang đến những dịch vụ chuyên nghiệp, uy tín trong lĩnh vực sản xuất TPBVSK. Liên hệ với chúng tôi tại:

NHÀ MÁY SẢN XUẤT TPCN BÁCH THẢO DƯỢC GMP

Văn phòng: BT06-23, Biệt thự Ngoại Giao Đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Nhà máy: Lô Q - 6, KCN Tràng Duệ, Thuộc Khu Kinh Tế Đình Vũ - Cát Hải, Xã An Hoà, Huyện An Dương, Hải Phòng

Hotline: 0888846969

Email: bachthaoduoc.com@gmail.com

Tags

Đánh giá bài viết!

Bình luận

Tin liên quan

Béo phì ở trẻ em, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

01/12/2023 1383 lượt xem

Béo phì ở trẻ em là bệnh lý thường gặp,…

Mùa đông hay bị bệnh gì?

20/11/2023 1440 lượt xem

Mùa đông với thời tiết giá lạnh dễ dẫn tới…

Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng phổ biến của nhồi máu cơ tim

14/11/2023 1458 lượt xem

Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên…

Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương

04/10/2023 1685 lượt xem

Huyết áp là một trong những thông số đơn giản…

Bài đọc nhiều nhất

Giới thiệu về Bách Thảo Dược

Giới thiệu về Bách Thảo Dược

01/08/2019 93995 lượt xem

Bài đăng mới nhất

FANPAGE FACEBOOK

Bách Thảo Dược - Địa chỉ gia công dược mỹ phẩm UY TÍN

(Bách Thảo Dược) 0888846969